Lịch sử hình thành phát triển

309

Thứ năm, 18/10/2023, 07:23 (GMT+7)

Theo tiến trình của lịch sử sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Viện Vệ sinh Dịch tễ học Hà Nội đã có các tên gọi: Viện Vi trùng học (1945 – 1946) – Theo Sắc lệnh luật số 41 ngày 3/10/1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Viện Pasteur Hà Nội: 1946 – 1957; Viện Vi trùng học: 1957 – 1961.

Viện Vệ sinh Dịch tễ học Hà Nội (1961 – 1998) – Theo Quyết định số 291/BYT-QĐ ngày 25 tháng 3 năm 1961 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc sát nhập Viện Vi trùng và Viện Vệ sinh thành Viện Vệ sinh Dịch tễ học. Ngày 8/3/1961, Bộ trưởng Y tế Phạm Ngọc Thạch đã ký quyết định số 236/BYT-QĐ quy định nhiệm vụ của Viện Vệ sinh Dịch tễ học, trong đó phòng Kiểm định với nội dung là “Nghiên cứu và sản xuất các vắc xin, huyết thanh điều trị, kháng nguyên, kháng huyết thanh và cung cấp môi trường phục vụ cho công tác xét nghiệm”. Nhiệm vụ cụ thể là nghiên cứu và sản xuất các loại vắc xin, kháng nguyên, kháng huyết thanh và huyết thanh điều trị; giữ giống vi sinh vật, sản xuất và cung cấp môi trường.

Phòng Kiểm định của Viện có nhiệm vụ kiểm tra chất lượng các vắc xin và sinh phẩm này trước khi sử dụng trên người; Phòng Kiểm định vắc xin từ năm 1955 – 1960 được giao nhiệm vụ: Nghiên cứu ứng dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong việc kiểm tra chất lượng vắc xin phòng bệnh đậu mùa và giữ giống vi rút đậu mùa trong sản xuất vắc xin; Nghiên cứu ứng dụng các tiêu chuẩn trong việc xác định hiệu lực vắc xin phòng bệnh thương hàn. Từ năm 1962 – 1970: Thực nghiệm miễn dịch trong nhiễm khuẩn do Vibrio Eltor; Tiêu chuẩn hóa vắc xin phòng bệnh thường hàn (vắc xin TAB); Nghiên cứu ứng dụng một loại môi trường bán tổng hợp không cần máu trong sản xuất vắc xin phòng bệnh ho gà; Ứng dụng kỹ thuật vi mô trong chuẩn định kháng thể uốn ván và bạch hầu; Tiêu chuẩn hóa liều miễn dịch hữu hiệu, hiệu lực của vắc xin phòng bệnh thương hàn bảo quản ở các nhiệt độ khác nhau; Ứng dụng phương pháp Habel trong xác định hiệu lực vắc xin phòng bệnh dại; Bước đầu tiêu chuẩn hóa vắc xin phòng uốn ván.

Những năm 1971 – 1978: Nghiên cứu đặc tính của các giống vi rút đậu trâu bò; chuẩn độ hiệu giá vắc xin đậu trên hệ thống tế bào nuôi; nghiên cứu ứng dụng phương pháp xác định hiệu lực của vắc xin phòng bệnh đậu mùa trên màng niệu đệm phôi gà 12 ngày; khả năng chuẩn định sinh vật phẩm trên tế bào nuôi; đáp ứng kháng thể sau khi tiêm các vắc xin theo lối nội bì, ảnh hưởng của lượng kháng thể ban đầu đối với các đáp ứng miễn dịch sau khi tiêm nhắc lại vắc xin bạch hầu – ho gà cho những người ở lứa tuổi trưởng thành.

Hình ảnh những năm tháng trong thời kỳ đầu tiên cán bộ bác sỹ của Bệnh viện Khám bướu cổ cho người dân khu vực phía bắc

Hình ảnh Viện Pasteur Hà Nội nhìn từ trên cao thời kỳ Pháp thuộc

Các cán bộ Viện vệ sinh dịch tễ học Hà Nội năm 1960

Các cán bộ Phòng kiểm định thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ học Hà Nội năm 1970

BS. Cao Minh Tân, Nguyên Viện trưởng Viện Pasteur TP. HCM (1975 – 1985), trực tiếp phụ trách công tác Kiểm định vắc xin trước khi chuyển đi các địa phương

Ngay sau khi giải phòng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975, Bộ Y tế đã cử chuyên gia vào làm việc với các Viện Pasteur Đà Lạt, Pasteur Sài Gòn, Pasteur Nha Trang về kiểm định các vắc xin, sinh phẩm mà các Viện này đã và đang sản xuất. Lúc đó Viện Pasteur Nha Trang và Đà Lạt đều thuộc quản lý của Viện Pasteur Sài Gòn, các vắc xin, sinh phẩm sản xuất ra đều được chuyển về Viện Pasteur Sài Gòn kiểm định chất lượng.

Từ tháng 6 đến tháng 8 năm 1976 các kỹ thuật kiểm tra vắc xin bạch hầu, ho gà, uốn ván, tả, đậu mùa đã được triển khai thực hiện tốt, đặc biệt sản phẩm kháng huyết thanh uốn ván do Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế sản xuất cũng được Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh kiểm tra. Ngay cả thử nghiệm công hiệu của vắc xin đậu mùa cũng đã được tiến hành.

Ngày 23/11/1978, Bộ Y tế ra quyết định số 1395/BYT-QĐ quy định tổ chức bộ máy Viện Pasteur Đà Lạt, cơ sở Nha Trang trực thuộc Viện. Ngày 18/12/1981, Bộ Y tế ra Quyết định số 1335/BYT-QĐ đổi tên thành Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế trực thuộc Bộ Y tế, lấy cơ sở Nha Trang làm trụ sở chính. Khi đó Bộ Y tế đã vận động UNICEF tài trợ cho Việt Nam dây chuyền công nghệ sinh học hiện đại sản xuất vắc xin phòng bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, lao; 4 loại vắc xin này nằm trong 6 loại vắc xin cơ bản mà WHO đã khuyến cáo năm 1977.

Thời kỳ này, cùng với đội ngũ các cán bộ của phòng Kiểm định vắc xin, xuất phát từ nhu cầu cần có một đơn vị độc lập cấp Quốc gia làm công tác kiểm định chất lượng vắc xin, sinh phẩm của Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế, TS Đặng Hồi Xuân đã ký Quyết định số 678/BYT-QĐ ngày 17/8/1984 về việc bổ nhiệm BS. Doãn Thị Tâm, Trưởng phòng Kiểm định vắc xin Viện Vệ sinh phòng dịch làm Giám đốc Trung tâm Kiểm định Quốc gia Sinh vật phẩm.

BS. Doãn Thị Tâm cùng các cán bộ Trung tâm Kiểm định Quốc gia Sinh vật phẩm trước khu nuôi động vật thí nghiệm tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương năm 1990

BS. Doãn Thị Tâm cùng các cán bộ Trung tâm Kiểm định Quốc gia Sinh vật phẩm trước khu nuôi động vật thí nghiệm tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương năm 1990

Chuyên gia của TGA và Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam phát biểu trong hội thảo

GS.TS. Nguyễn Văn Thường, Thứ trưởng Bộ Y tế (thứ nhất từ trái) tại Hội thảo​